Trong “Vụ tai tiếng ở Bohemia”, Sherlock Holmes đã nói, “Bạn nhìn thấy, nhưng bạn không quan sát.”

Đã bao giờ bạn cảm thấy như mình đang sống trong một vỏ ốc riêng và chẳng mảy may suy nghĩ về thế giới bên ngoài chưa?

Thử kiểm tra nhé. Bạn có nhớ được tên cửa hàng bán đồ rẻ tiền mà bạn đi ngang qua hàng ngày, hay chuyện đã xảy ra trong tai nạn ô tô mà bạn chứng kiến vài tuần trước không? Bạn để ý tới các vấn đề đang diễn ra giữa bạn và đồng nghiệp tới mức nào?

Đôi khi, chúng ta lạc trong suy nghĩ của riêng mình hoặc để một ngày tự động trôi qua. Tuy nhiên khi làm vậy, ta cũng đánh mất luôn khối lượng và chất lượng thông tin mình tiếp thu, những điều có thể kích thích hoặc truyền cảm hứng cho ta, đồng thời bỏ qua những cơ hội để gắn kết với con người, môi trường và tình huống xung quanh.

May mắn thay, phát triển khả năng quan sát không khó và bài biết này sẽ hướng dẫn bạn cách dễ dàng để làm điều đó.

Nói Về Sự Quan Sát

Khi quan sát, bạn dùng các giác quan để xem xét điều mình hiếu kỳ và đánh giá trải nghiệm của bản thân. “Quan sát” không giống với “nhìn”. Nhìn mang tính bị động. Chẳng hạn, bạn nhìn thấy mọi thứ xung quanh trên đường đi làm, nhưng hiếm khi tìm kiếm thứ gì cụ thể hoặc ghi chú lại thông tin để dùng sau này. Song, quan sát lại là quá trình chú ý chủ động và có mục đích, qua đó bạn thu thập được những thông tin cụ thể phục vụ việc đánh giá.

Quan sát môi trường xung quanh là vấn đề sống còn đối với tổ tiên của ta trong thời tiền sử – sự sống của họ phụ thuộc vào đó. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học bang Ohio cho thấy hiện nay kỹ năng quan sát đang dần giảm sút.

Trong thời đại văn minh hiện nay, quan sát môi trường xung quanh gần như không còn là vấn đề sống còn nữa. Tuy nhiên, kỹ năng quan sát vẫn rất quan trọng, vì nếu không có nó thì bạn có thể bỏ sót thông tin chủ chốt và đưa ra quyết định thiếu thông tin trong mọi khía cạnh cuộc sống. Nhà tâm lý học Arien Mack và Irvin Rock gọi xu hướng bỏ sót những chi tiết quan trọng này là “vô thức bỏ qua”.

Tại Sao Kỹ Năng Quan Sát Lại Quan Trọng?

Việc rèn luyện cho não khả năng quan sát giúp bạn học hỏi và ghi nhớ nhiều hơn về con người, địa điểm, sự kiện và những chuyện xảy ra xung quanh mình để nhận ra những chi tiết mà bạn có thể bỏ qua nếu thiếu kỹ năng quan sát. Nghiêm túc đánh giá quan sát của mình giúp bạn hiểu rõ sự việc, từ đó đưa ra những quyết định thấu đáo hơn, đồng thời giải quyết mọi vấn đề hiệu quả hơn.

Kết quả là khả năng này góp phần nâng cao kỹ năng làm việc và giao tiếp của bạn, cũng như cải thiện cách bạn tương tác với mọi người và môi trường xung quanh.

8 Cách Cải Thiện Kỹ Năng Quan Sát

Quan sát là một kỹ năng và cũng như bất cứ kỹ năng nào khác, bạn có thể học hỏi và phát triển nó. Nếu luyện tập, bạn có thể mài giũa tư duy của mình và biến quan sát thành một thói quen.

Sau đây là 8 cách giúp bạn quan sát tốt hơn.

  1. Hiểu Rõ Đối Tượng Quan Sát

Dù đang quan sát gì, bạn sẽ quan sát tốt nhất khi hiểu rõ về đối tượng của mình. Kết hợp giữa điều bạn thấy và điều bạn biết là một phần quan trọng của việc quan sát, và bạn chỉ có thể trở thành người quan sát có hiểu biết khi biết rõ cách một nhóm, một nơi hoặc một quá trình thường vận hành.

  1. Chậm Lại Và Hướng Ra Bên Ngoài

Rất khó để quan sát nếu bạn cứ gấp gáp và cảm thấy căng thẳng. Điều bạn cần làm là buộc mình tạm dừng một chút hoặc chậm lại, đồng thời loại bỏ tiếng nói trong đầu để có thể hướng sự chú ý ra bên ngoài. Hãy thử tập chính niệm để tập trung vào việc quan sát người khác và môi trường xung quanh.

  1. Thử Điều Gì Đó Mới

Bạn có thể phát triển kỹ năng quan sát bằng cách đến một nơi mới hoặc thử làm gì đó khác biệt. Điều này sẽ tự nhiên nâng cao nhận thức của bạn và khiến bạn tập trung hơn. Càng thực hiện điều này thường xuyên thì kỹ năng quan sát của bạn sẽ càng được cải thiện. Một mẹo hữu ích là đến viện bảo tàng hoặc phòng triển lãm tranh – những nơi mở ra cho bạn cơ hội trải nhiệm nhiều điều mới và quan sát cận cảnh những điều đó.

  1. Loại Bỏ Điều Làm Bạn Mất Tập Trung

Khả năng quan sát của bạn phụ thuộc vào việc bạn tập trung tốt đến mức nào. Trong quyển sách xuất bản năm 1987 mang tên Peopleware, Tom DeMarco và Timothy Lister cho biết rằng chúng ta mất 15 phút để lấy lại sự tập trung sau khi bị phân tâm. Do đó, việc giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây xao nhãng là điều rất quan trọng.

Bạn có thể áp dụng những kỹ thuật như nghe chủ động và đưa mình vào trạng thái dòng chảy để tập trung và giảm thiểu các tác nhân gây mất tập trung.

  1. Chơi Game

Một trò chơi luyện não có thể rèn luyện và cải thiện trí não của bạn. Những thử thách như giải mật mã, giải ô chữ và những game như Pictionary® hay Rubik’s Cube® đều kích thích não suy nghĩ nhiều, giúp nâng cao khả năng suy luận và phân tích của bạn. Một bộ não thông minh và lanh lợi hơn giúp bạn quan sát có chiều sâu hơn và suy ra những thông tin đòi hỏi tư duy.

  1. Kiểm Tra Khả Năng Gợi Nhớ Thông Tin

Trí nhớ là một phần không chủ chốt trong quan sát. Một phương pháp hiệu quả giúp phát triển trí nhớ dài hạn là chọn ra một ngày hoặc một sự kiện trong quá khứ. Sau đó, viết ra nhiều thông tin nhất mà bạn có thể nhớ được. Bạn viết càng chi tiết thì càng tốt.

Để cải thiện trí nhớ ngắn hạn, hãy thử Kim’s Game (trò chơi của Kim), một kỹ thuật trong quyển tiểu thuyết Kim năm 1901 của Rudyard Kipling. Nhờ người khác thu thập 15 hoặc 20 món đồ ngẫu nhiên cho bạn. Bạn có một phút để ghi nhớ các món đồ đó, sau đó quay đi và viết ra nhiều đồ vật nhất mà bạn có thể nhớ. Đừng chỉ điểm tên mà hãy mô tả cả màu sắc, hình dạng, kích cỡ,… của món đồ đó. Khi kỹ năng ghi nhớ của bạn tốt lên, bạn cũng nên tăng mức độ thử thách lên. Lấy ví dụ, bạn có thể đưa vào những đồ vật có mùi hoặc gây tiếng động để kích thích các giác quan khác của mình, nhưng hãy giảm thời gian bạn được phép quan sát những vật đó. Bạn cũng có thể đợi vài giờ đồng hồ sau khi quan sát rồi mới liệt kê những gì mình thấy. Ngoài ra, ghi nhớ hình ảnh và tả lại nó, chọn ra những món đồ ngẫu nhiên và tìm kiếm nó ở những nơi bạn tới, hoặc cố liệt kê hết những thứ có trong phòng khách nhà bạn đều là những cách hay để cải thiện khả năng quan sát.

  1. Viết Nhật Ký

Hãy chọn một chỗ để ngồi, quan sát và ghi lại chi tiết về mọi thứ hoặc mọi người bạn gặp. Đừng chỉ dùng thị giác mà hãy tận dụng mọi giác quan. Bạn cũng có thể mang theo một quyển vở để phác họa mọi thứ bạn quan sát thấy. Đừng lo nếu bạn vẽ không quá đẹp – bạn không cần phải trở thành Picasso đâu! Ngay cả vài đường phác họa cũng buộc bạn phải quan sát xung quanh và đánh giá mọi thứ trước khi đặt bút vẽ rồi.

  1. Phát Triển Kỹ Năng Tư Duy Phản Biện

Khả năng tư duy phản biện là trọng tâm của việc quan sát. Khả năng đặt câu hỏi, lập luận và phân tích những điều bạn quan sát có thể làm nên hoặc phá hỏng thành quả từ quá trình quan sát của bạn.

Tư duy phản biện là một kỹ năng và có rất nhiều công cụ và kỹ thuật khác nhau mà bạn có thể áp dụng để phát triển nó.

Điểm Mấu Chốt

Quan sát là quá trình tập trung vào một đối tượng hoặc một người để thu thập thông tin nhằm đánh giá một cách nghiêm túc. Đó không chỉ là nhìn một cách bị động, mà là sử dụng tất cả các giác quan của mình để quan sát. Quan sát tốt giúp bạn thu thập được nhiều thông tin hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Để cải thiện cách bạn quan sát con người, địa điểm, sự kiện và sự việc xảy ra xung quanh, bạn hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ đối tượng quan sát, quan sát chậm lại, loại bỏ các yếu tố gây mất tập trung và thử những điều mới. Hãy mài giũa tư duy của bạn bằng các trò chơi mang tính thách đố, kiểm tra trí nhớ, viết hoặc vẽ ra những gì bạn quan sát được và nâng tầm kỹ năng tư duy phản biện của mình.

***

Tác giả: James Manktelow